
Yoga là một trong sáu hệ thống triết lý lớn nhất của triết học Ấn độ. Yoga đã xuất hiện và tồn tại hàng ngàn năm, và cho đến nay, nó đang càng phát triển và phổ biến hơn, đặc biệt là ở phương Tây.
Bài này sẽ giới thiệu một sơ lược về yoga, triết lý đằng sau nó và các phương pháp thực hành. Đầu tiên:
• Tham khảo: Bạn tập Yoga để làm gì?
Một số điểm chính về Yoga
Dưới đây là một số điểm chính về yoga. Các nội dung này sẽ được nói cụ thể hơn trong toàn bài này. 😉
1. Có rất nhiều người tập Yoga
Kết quả nghiên cứu thị trường năm 2008 đăng trên tạp chí Yoga Journal báo cáo rằng: khoảng 16 triệu người ở Mỹ tập yoga, và chi tiêu 5,7 tỉ đô mỗi năm cho trang thiết bị yoga.
2. Ý nghĩa của từ “yoga”
Từ “yoga” bắt nguồn từ một chữ tiếng Phạn là “yuj”, nghĩa là “kết hợp với nhau”. Người ta thường hiểu đây là sự kết hợp giữa thân và tâm (cơ thể và tâm trí).
3. Yoga có sáu con đường thực hành chính
Yoga có 6 con đường thực hành chính, bao gồm: Hatha, Raja, Karma, Bhakti, Jnana, Tantra. Và còn nhiều liệu nhỏ nữa. Tùy trình độ và nhu cầu, từ đó hãy chọn ra cách thực hành phụ hợp với bạn nhất.
4. Có tám nhánh Yoga
Yoga gồm có tám nhánh (còn gọi là tám bước): Yama (giới), Niyama (luật), Asana (tư thế), Pranayama (điều khí), Pratyhara (điều tâm), Dharana (tập trung), Dhyana (thiền), Samadhi (định).
5. Hatha yoga
Hatha yoga là trường phái phổ biến nhất ỏ phương Tây. Ha có nghĩa là “mặt trời” và Tha nghĩa là “mặt trăng.
6. Lợi ích sức khỏe
Thực hành yoga mang đến nhiều lợi ich sức khỏe, tốt cho cả cơ thể và tinh thần, bao gồm: giảm đau lưng, kiểm soát cân nặng, giảm căng thẳng và tăng tính linh hoạt.
7. Tốt cho phụ nữ mang thai
Có một số bằng chứng, cho thấy phụ nữ tham gia các lớp yoga khi đang mang thai sẽ ít gặp các vấn đề về mang thai và lao động sau khi sinh.
8. Rủi ro thương tích
Theo ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu Dùng Mỹ: trong năm 2010, đã có hơn 7369 ca thương tích liên quan đến yoga. Chủ yếu là chấn thương cổ, vai, xương sống, chân và đầu gối. Các tổn thương thường là do tập cố quá sức các động tác khó, quá sức chịu đựng của cơ thể, nhất là khi mới tập.
Học viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (AAOS) tin rằng, về cơ bản, lợi ích mà yoga mang lại lớn hơn những rủi ro thương tích tiềm ẩn.

• Tham khảo: 4 lí do tập yoga có lợi hơn nhiều môn thể thao khác.
Yoga là gì?
Yoga có nguồn gốc lịch sử từ triết học Ấn Độ cổ đại. Từ “Yoga” có nguồn gốc từ chữ “Yuj” trong tiếng Phạn, có nghĩa là sự liên kết, kết hợp, tham gia, hòa nhập, hợp nhất,… Đại ý nói đến sự hợp nhất giữa thân và tâm (thể xác và tâm trí), giữa con người và vũ trụ, kết hợp cái hữu hình với cái vô hình, cái hữu hạn với cái vô hạn. Bạn có thể hiểu đơn giản rằng đây là một phương pháp tu khổ hạnh, kỷ luật rất cao.
Ghi chú: Từ “yoga” trong tiếng Phạn được dịch và hiểu theo nhiều cách. Nhiều văn bản giải thích từ “yoga” có nghĩa là “hòa nhập” “ách/gắn kết” hoặc “tập trung”.
Yoga là sự thực hành kết hợp cả cơ thể và tâm trí, hay còn gọi là “điều thân và điều tâm”. Các trường phái yoga khác nhau sẽ thực hành các phương pháp khác nhau, ví dụ như các tư thế, kỹ thuật thở, yoga thiền hoặc thư giãn.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Yoga vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay, trong một xã hội hiện đại. Không những vậy.
Nó còn trở nên phổ biến như là một môn tập thể dục, đặc biệt là phương pháp thực hành các asana (các tư thế). Chúng giúp thúc đẩy việc kiểm soát cơ thể và tâm trí, từ đó mà sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của bạn được tăng lên đáng kể.
– Hành giả yoga: là những người thực hành yoga nguyên thủy, họ thường được gọi là yogi, riêng nữ tu thường được gọi là yogini.

Yoga hình thành từ khi nào?
Một trong những tranh cãi của các học giả và nhà nghiên cứu là yoga thật sự đã bắt đầu từ khi nào?
Không có tài liệu nào về người phát minh ra yoga, bởi vì nó tồn tại trước cả khi người ta phát minh ra giấy viết. Chúng chỉ được truyền dạy lại qua các thế hệ. Các yogi (hành giả yoga) đã truyền lại cho học trò của họ, nhờ vậy mà qua nhiều thế kỷ, yoga vẫn tồn tại, và giờ đây chúng ta mới được biết đến yoga.
Các kỹ thuật yoga và triết lý đằng sau nó đã được nói đến trong kinh Vệ-đà, là một bộ kinh cổ của đạo Hindu, được viết bằng tiếng Phạn.
– Con dấu Pashupati và tư thế hoa sen
Một con dấu đã được phát hiện có niên đại 5000 năm có tên là Pashupati. Trên con dấu có hình một nhân vật ngồi tư thế padmasana, còn gọi là tư thế kiết già hoặc tư thế hoa sen. Nhiều người coi đây là nguồn gốc của các tư thế yoga (asana), thậm chí họ tin rằng đó là thần Shiva.

– Các quan điểm khác về con dấu Pashupati
Nhiều người tin rằng con dấu này chỉ có niên đại khoảng 2350-2000 năm trước công nguyên. Vì không có bất cứ tài liệu nào chứng minh con dấu này có thể tồn tại trước đó nữa.
Một số người nghĩ rằng hình trên con dấu là một nữ thần hoặc một thần cây ở lục địa Á Âu, chứ không phải thần Shiva.
– Pashupati được nhắc đến trong kinh Vệ-đà
Về sau, người ta khám phá ra con dấu Pashupati đã được nói đến trong kinh Vệ-đà (Atharva Veda, một bộ kinh cổ đại). Cho thấy yoga thậm chí không tồn tại lâu hơn 1500 năm trước công nguyên.
– Lan truyền đến phương Tây
Yoga bắt đầu phổ biến ở phương Tây vào cuối thể kỷ 19. Và đến thập niên 1920 và 1930, yoga được quan tâm nhiều và phổ biến một cách rất rộng rãi. Có thể nói nó đã trở thành một trào lưu, mãi cho đến ngày nay.
Triết lý của yoga
Văn bản cổ Yoga Sutra
Bộ luận sớm nhất về yoga chính là Yoga Sutra, gồm có 185 châm ngôn vắn tắt, rõ ràng về yoga. Bộ luận này đã tồn tại 2000 năm tuổi. được viết bởi nhà hiền triết Ấn độ Patanjali.
Yoga Sutra luận về triết lý của yoga, hệ thống, phân loại, đặt ra các khuôn khổ và hướng dẫn thực hành yoga. Đây là một trong những văn bản cổ nhất còn tồn tại cho đến ngày nay.
Yoga Sutra là cảm nang hướng dẫn các cách thực hành yoga để đạt được sự tinh thông về trí vệ và cảm xúc, kèm theo những lời khuyên về tu dưỡng tâm. Bộ luận này đã tạo ra một khuôn khổ để tất cả các hành giả yoga thời xưa cũng như thời nay noi theo.

• Tham khảo: Triết lý của Yoga – Cầu nối giữa cơ thể và tâm hồn.
Con đường đạt đến sự giải thoát
Trong tư tưởng Ấn độ, một thứ rất quan trọng chính là Paramatma, tức là vũ trụ, là linh hồn tối thượng. Nó bao gồm cả tâm linh cá thế (Jivatma). Và yoga là con đường thực hành để nhằm hợp nhất tâm linh cá thể với linh hồn tối thượng, từ đó đạt được giải thoát (Moksa).
Khi các giác quan được tĩnh tại, đại não được nghỉ ngơi, tâm trí được an định, đó là lúc hành giả đạt trạng thái (cảnh giới) cao nhất. Duy trì trạng thái này lâu dài, hành giả giải thoát khỏi vọng niệm (tưởng tượng, suy nghĩ bất định), khỏi dục vọng. Trở về với tánh linh nội tại, tỉnh giác, sáng suốt, đạt được sự viên mãn cuối cùng.
Ghi chủ: Một số văn bản về yoga có cách nói khác (nhưng cùng ý nghĩa) là “sự không chế đại não, trí lực và tự ngã, hòa với thần thành nhất thể.”

Ở trạng thái này, hành giả đạt được hỷ lạc, tức là niềm vui vi tế. Niềm vui này vượt xa loại niềm vui có được từ việc thỏa mãn các ham muốn. Niềm hỷ lạc này mỗi người phải thực hành và tự biết lấy, lí trí không thể lĩnh hội được.
Khi một người đã đạt được sự giải thoát trong tâm, thì các sự vật sự việc bên ngoài không thể tác động đến họ được. Ví dụ khi gặp những sự vui buồn trong đời sống, họ vẫn tĩnh tại, vững vàng như ngọn núi.
Yoga là phương pháp thực hành giúp đại não đạt đến sự tĩnh tại, là phương thức dẫn dắt năng lượng nội tại. Hành giả từng bước loại bỏ các ô nhiễm trong tâm (dục vọng, tạp niệm,..), đồng thời thực hành các phương pháp yoga để dẫn dắt năng lượng đúng cách, sẽ đạt đến trạng thái giải thoát trong tâm.
• Tham khảo: Nếu không có yếu tố tâm linh, đừng gọi đó là Yoga.
Các tư thế yoga (asana)
Các tư thế yoga còn được gọi là asana, mỗi tư thế là một ấn (con dấu). Trong tâm linh, mỗi ấn sẽ có công dụng khác nhau. Hiểu theo một cách khác, mỗi tư thế là mỗi kiểu liên kết khác nhau giữa hệ thần kinh, các cơ quan nội tạng, hệ thống hô hấp và hệ nội tiết trong cơ thể con người. Giúp các cơ quan nội tạng hoạt động và hỗ trợ nhau tốt hơn, từ đó làm tăng khả năng hoạt động của chúng.
Khi bạn thực hành các tư thế yoga, lợi ích trước mắt là sức khỏe thể chất, tinh thần sẽ được tăng cường đáng kể, sắc đẹp cũng theo đó mà được cải thiện. Có rất nhiều tư thế yoga với những lợi ích khác nhau, chẳng hạn như các tư thế yoga dành cho dân văn phòng, dành cho phụ nữ mang thai, giảm cân,… Mình sẽ chia sẻ cụ thể hơn ở các bài khác. 🙂

6 con đường thực hành yoga
Từ thời cổ đại, hệ thống yoga được hiểu và phân chia như hình hình dáng một cái cây, gồm có thân, cành lá, hoa, rễ. Mỗi phần của yoga có những đặc điểm riêng, đại diện cho những cách tiếp cận với cuộc sống. Phần này mình sẽ giới thiệu về 6 chi (hay 6 con đường) của yoga:
1. Hatha yoga – đây là con đường chuyên về thể chất và tinh thần, chủ yếu thực hành các tư thế (asana) và kiểm soát hơi thở (pranayama).
2. Raja yoga – thực hành thiền và tuân thủ chặt chẽ “tám nhánh yoga”.
3. Karma yoga – con đường của sự phục vụ, với mong muốn giữ gìn và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
4. Bhakti yoga – con đường của sự tận tụy, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực, biết chập nhận và có lòng khoan dung.
5. Jnana yoga – trí tuệ, con đường của học giả, đạt được trí tuệ nhờ nghiên cứu, suy tư.
6. Tantra yoga – con đường lễ nghi, thực hành các nghi quỹ, cúng kiến.

8 nhánh của yoga – Ashtanga
Ashtanga (hay còn gọi là Raja yoga), có nghĩa là 8 phân nhánh hoặc 8 bước trong yoga, có thể hiểu là 8 bước mà một hành giả phải trải qua:
1. Yama – giới: là tiêu chuẩn đạo đức là nền tảng của sự thực hành yoga. Có năm giới bao gồm: bất bạo động (ahimsa), trung thực (satya), asteya (không trộm cắp), tiết dục (brahmacharya), không tham lam (aparigraha).
2. Niyama – Luật: là cách thực hành hướng đến nội lực. Có năm luật bao gồm: sạch sẽ (saoca), sự mãn nguyện (santosa), phụng sự tha nhân (tapah), trau dối kiến thức (soadhyaya), thực hành đều đặn (ishvara pranidhna).
3. Asana – Các tư thế: kết hợp cơ thể và tâm trí, để có sức khỏe dẻo dai và tinh thần thư thái
4. Pranayama – Điều khí: kiểm soát hơi thở.
5. Pratyahara – Điều tâm: kiểm soát và làm chủ các giác quan, trở về với bản thể của chính mình.
6. Dharana – Tập trung (chấp trì): tập trung, chuyên chú vào một điểm cu thể (ví dụ như đầu mũi).
7. Dhyana – Thiền: sự tỉnh lặng mà tỉnh giác, kéo dài sự tập trung kèm theo quán chiếu (nhìn/soi rọi) về đối tượng (còn gọi là thiền quán).
8. Samadhi – Định: nhập định (tâm thức tối cao), hòa nhập với vũ trụ.

Những thay đổi, phát triển để thích nghi
Qua thời gian, yoga đã phát triển để thích nghi hơn với đời sống hiện đại. Nhiều bài tập yoga ở nhiều trung tâm hiện nay chi đơn thuận là tập thể dục (và họ thật sự nghĩ như vậy). Mục đích là để tăng cường sức khỏe và sắc đẹp. Tuy nhiên thì, như đã nói, đây không phải triết lý của truyền thống yoga.
Các hành giả yoga không tập thể dục, mà họ thực hành các phương pháp với từng mục đích cụ thể. Ví dụ thực hành pranayama (sử dụng hơi thở để chuyển hóa năng lượng), dharana (sử dụng tâm và khả năng tập trung), hay nada (sử dụng âm thanh, thần chú).
Đến với yoga một cách dễ dàng
Đừng e ngại vì yoga có vẻ phức tạp. Đó chỉ là bản chất, nguồn gốc và triết lý thật sự của Yoga nguyên thủy thôi. Còn bạn, bạn có thể đến với yoga mà không cần quan tâm đến sự giải thoát nào cả, hãy áp dụng những gì mà bạn cảm thấy hữu ích.
Ngày nay, việc tập yoga ngày càng dễ dàng hơn. Bạn có thể chọn một trường phái tùy theo nhu cầu của bạn, ví dụ: yoga để giảm cân, làm đẹp, thư giãn, v.v… Và thực hành theo thời khóa của riêng bạn, hay thậm chí là bất cứ khi nào bạn muốn, bất kỳ nơi đâu.

Kết luận
Trên đây là giới thiệu khái quát về Yoga, một số điểm nổi bật cũng như là quan trọng đối với người mới bắt đầu. Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề khác, và cũng còn nhiều tranh luận nữa, nội dung bài này chỉ nhằm giới thiệu và trả lời câu hỏi “Yoga là gì?” thôi. Một số điểm được nêu ra dựa trên những bản kinh cổ nói về Yoga, vì vậy bạn hãy đứng cùng góc độ đó để đọc. Còn đứng ở các góc độ khác (chẳng hạn như triết lý tôn giao khác), thì bạn hãy tự suy nghiệm và chọn ra con đường của bạn.
Các bài viết sau sẽ chúng ta sẽ đi sâu và chi tiết hơn vào từng phần của Yoga, ví dụ như chi tiết về các nhánh của yoga, các trở ngại khi tập yoga, lợi ích sức khỏe của yoga, v.v…
Cảm ơn bạn đả đọc một bài viết dài! 🙂
Leave a Reply